Bệnh tiểu đường
I. BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LÀ GÌ?
Bệnh tiểu đường, còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư, v.v…
Bộ máy tiêu hóa của chúng ta biến chế một phần lớn thức ăn chúng ta ăn vào thành một loại đường gọi là glucose. Glucose đi vào máu và rời máu đi vào các tế bào để trở thành năng lượng.
Insulin là một kích thích tố do tụy tạng (pancreas) tiết ra, đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa lượng đường trong máu. Insulin được xem như chiếc chìa khóa để mở cửa cho đường đi vào bên trong tế bào. Khi mọi việc xảy ra thông suốt, lượng đường trong máu giảm xuống và cơ thể được tiếp tế đầy đủ nhiên liệu để có mọi hoạt động của sự sống.
Ở người bệnh tiểu đường, hệ thống này không còn hoạt động bình thường nữa. Tụy tạng không còn sản xuất được insulin hay cơ thể không còn khả năng sử dụng insulin để đưa đường vào bên trong tế bào. Đường không vào được bên trong tế bào, ở lại trong máu và đưa đường huyết (hay lượng đường trong máu) lên cao gây ra bệnh tiểu đường. Khi đường huyết vượt quá một độ cao nào đó, thận không giữ được nữa và đường sẽ theo nước tiểu đi ra ngoài. Từ đó có tên bệnh tiểu đường (diabetes melltitus có nghĩa là nước tiểu ngọt). Người bệnh tiểu đường mang bệnh này suốt đời.
II. PHÂN LOẠI BỆNH TIỂU ĐƯỜNG?
Người ta phân biệt ra 3 loại bệnh tiểu đường chính:
1. Bệnh tiểu đường loại 1 (type 1)
Trong bệnh tiểu đường loại 1, cơ thể không làm ra được insulin hay sản xuất rất ít insulin. Bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần phải tiêm insulin mới sống được, nên trước đây được gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin (insuline-dependent diabetes). Dạng này chiếm vào khoảng 10% bệnh nhân tiểu đường và thường xảy ra ở người còn trẻ, nhưng đôi khi cũng phát hiện ở người lớn tuổi.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 1 thường xuất hiện đột ngột, gồm:
- Tăng khát
- Đi tiểu nhiều
- Tăng đói
- Xuống cân nhanh
- Mệt mỏi.
Trong bệnh tiểu đường loại 1, tụy tạng không còn sản xuất được insulin. Kết quả là đường không vào được bên trong tế bào và lượng đường trong máu tăng cao.
2. Bệnh tiểu đường loại 2 (type 2)
Trong bệnh tiểu đường loại 2, cơ thể vẫn còn sản xuất được insulin, nhưng lượng insulin làm ra không đủ dùng hoặc tế bào cơ thể không sử dụng được insulin do cơ thể sản xuất ra hoặc do cả 2 nguyên nhân trên. Bệnh nhân tiểu đường loại 2 không cần phải tiêm insulin mới sống được, nên loại này còn được gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin (noninsulin-dependent diabetes). Tuy nhiên một số bệnh nhân tiểu đường loại 2 cũng cần tiêm insulin mới kiểm soát được đường huyết của mình.
Bệnh tiểu đường loại 2 là loại thường gặp nhất, chiếm khoảng 90% tổng số bệnh nhân tiểu đường và thường xảy ra ở các bệnh nhân:
- Trên 40 tuổi
- Béo phì
- Gia đình có người bị bệnh tiểu đường
- Từng bị tiểu đường lúc mang thai
- Có em bé khi sanh ra nặng hơn 8 pounds
- Bị stress do mắc bệnh nặng hay bị chấn thương
- Cao huyết áp
Vì vậy người nào có từ 3 trong các yếu tố kể trên, nên đi thử máu để tìm bệnh tiểu đường.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 rất dễ nhận ra. Những triệu chứng này tiến triển chậm và xuất hiện sau một thời gian khá dài, gồm:
- Mệt mỏi
- Nhìn không rõ
- Dễ hoặc thường bị nhiễm trùng, các vết thương hay vết lở rất lâu lành
- Có vấn đề trong việc “chăn gối”
- Da khô, ngứa
- Bàn tay, bàn chân bị tê, hay có cảm giác kiến bò
- Tăng đói
- Tăng khát và tiểu nhiều.
Trong bệnh tiểu đường loại 2, tụy tạng còn sản xuất được insulin, nhưng cơ thể không sử dụng được insulin này. Đường không vào được bên trong tế bào, ở lại trong máu và đưa đường huyết lên cao.
3. Bệnh tiểu đường thai kỳ
Đây là dạng tiểu đường xảy ra ở một số phụ nữ mang thai và chấm dứt sau khi sanh, có thể gây ra các vấn đề trong quá trình mang thai. Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh tiểu đường loại 2 sau này.
III. CHẨN ĐOÁN BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Chẩn đoán bệnh tiểu đường dựa trên các triệu chứng của bệnh tiểu đường và các xét nghiệm máu.
a. Các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường:
- Tăng khát
- Tăng đói
- Tiểu nhiều
- Nhiễm trùng tái đi tái lại
- Mệt mỏi
- Sút cân
- Mờ mắt
b. Tiền tiểu đường
Hàng triệu người có khả năng bị tiền tiểu đường. Tiền tiểu đường khi đường huyết trong máu cao hơn mức độ lượng đường trong máu bình thường, nhưng không đủ cao để được gọi là bệnh tiểu đường.
Có 2 dạng tiền tiểu đường:
1. Rối loạn đường huyết lúc đói: đường huyết khi đói từ 100 tới 126 mg/dl
2. Rối loạn dung nạp Glucose: khi đường huyết 2 giờ sau xét nghiệm dung nạp Glucose từ 140 tới 199 mg/dl.
Bệnh nhân tiền tiểu đưởng có nguy cơ cao trở thành tiểu đường loại 2 thực sự.
Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm đường huyết : đường huyết đói ≥ 127mg/dl hay đường huyết ngẫu nhiên ≥ 200 mg/dl hay đường huyết 2 giờ sau xét nghiệm dung nạp Glucose ≥ 200 mg/dl.
c. Các xét nghiệm máu:
- Đo đường huyết lúc đói (không ăn trong vòng 8 đến 10 giờ)
- Đo đường huyết ngẫu nhiên (lấy mẫu máu bất cứ lúc nào, không cần nhịn đói)
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường
(Tiêu chuẩn mới nhất của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ)
Xét nghiệm | Bình thường | Giảm dung nạp glucose hay Tiền tiểu đường | Tiểu đường |
Đường huyết lúc đói | < 110 mg/dl | 110 đến 125 mg/dl | ≥ 126 mg/dl (2 lần) |
Đường huyết lấy ngẫu nhiên | < 140 mg/dl | 140 đến 200 mg/dl | ≥ 200 mg/dl (kèm theo các triệu chứng của bệnh tiểu đường) |
IV. CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Nếu không được điều trị tốt, bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng có thể làm bệnh nhân tàn phế, thậm chí tử vong.
1. Biến chứng cấp tính
Do đường huyết tăng cao, có thể gây hôn mê nhiễm cetone hay hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẩn đến tử vong. Hạ đường huyết là biến chứng cấp tính, thường do quá liều thuốc, insulin gây nên. Có thể do bệnh nhân nhịn đói, kiêng khem quá mức hay do uống nhiều rượu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê và thậm chí tử vong.
2. Biến chứng mãn tính
- Biến chứng tim mạch: tiểu đường làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quị, tai biến mạch máu não và mạch máu ngoại biên đưa đến đoạn chi.
- Biến chứng mắt: Bệnh lý võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lào, giãm thị lực.
- Biến chứng thận: là biến chứng mãn tính thường gặp của tiểu đường, gây bệnh thận giai đoạn cuối, suy thận. Điều trị cần chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc để duy trì cuộc sống.
- Biến chứng thần kinh: Biến chứng thần kinh ngoại biên do tiểu đường gây mất cảm giác ở chân, tay hay dị cảm, tê, gây đau nhức… là nguy cơ của nhiễm trùng chân đưa đến đoạn chi.
V. NÊN LÀM GÌ KHI ĐÃ BỊ TIỂU ĐƯỜNG?
Khi bác sĩ đã chẩn đoán chắc chắn bạn bị bệnh tiểu đường, bạn không nên quá hốt hoảng hoặc không quan tâm gì đến bệnh.
Bệnh có tính chất mãn tính và có thể gây nhiều biến chứng. Do đó cần phải có thái độ bình tĩnh để sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống… và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.
Người bệnh nên sống năng động hơn, không nên ngồi một chỗ suốt ngày. Mỗi ngày nên dành từ 30 – 45 phút để đi bộ. Ngoài ra có thể chơi các môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe. Thể thao chính là một phương pháp điều trị không dùng thuốc cho bệnh nhân tiểu đường.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tính năng lượng cần thiết, thành phần các loại thức ăn cụ thể cho từng người bệnh để đảm bảo một chế độ ăn thích hợp cho mỗi người. Tất cả 2 biện pháp này là nhằm giúp cho bạn đạt được cân nặng lý tưởng của mình, duy trì sức khỏe để sống và làm việc có hiệu quả và góp phần giảm lượng đường huyết bị tăng cao trong máu.
Khi cả hai biện pháp trên vẫn không làm ổn định được đường huyết ở mức bình thường, bạn sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc giảm đường huyết để điều trị. Dùng thuốc nào là phù hợp với bệnh của bạn? Điều này sẽ do bác sĩ quyết định, dựa trên tình trạng của bệnh.
Để điều trị có kết quả tốt, nên phối hợp chặt chẽ với BS chuyên khoa để được theo dõi bệnh liên tục.
VI. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CHO NGƯỜI BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
Bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế các thực phẩm sau:
- Thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao như xào, chiên, đặc biệt là chiên giòn.
- Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.
- Đồ ngọt như: Đường, mía, tất cả các loại sữa chế biến, cà phê, kẹo, đá chanh, trái cây đóng hộp, nước quả ép, kẹo, mứt, chè, mỡ.
Lưu ý: Bệnh nhân tiểu đường chỉ nên hạn chế các loại sữa chế biến còn sữa tươi nguyên chất không đường thì lại rất tốt vì sữa là thức ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, dễ tiêu, nhiều protein và các acid amin cần thiết, nên rất tốt cho bệnh nhân.
- Hạn chế ăn cơm, mì xào, hủ tiếu, bánh canh, bánh mì, các loại khoai (khoai lang, khoai mì), bánh bích qui, trái cây ngọt, trứng.
- Không ăn mặn
- Hạn chế uống rượu, hút thuốc vì có thể thúc đẩy hạ đường huyết trên bệnh nhân đang điều trị với thuốc hạ đường huyết.
Một số thực phẩm tốt cho bệnh nhân tiểu đường:
- Các loại trái cây tươi ít đường như táo, bưởi, cam quýt… là món ăn cung cấp nhiều vitamin tốt cho người bệnh tiểu đường. Mặc dù các loại trái cây có thể cung cấp cho bệnh nhân một lượng đường nhưng đó là lượng đường chậm (tức đường phải qua quá trình tiêu hóa mới trở thành đường hấp thu vào cơ thể) nên sẽ giúp cho lượng đường trong máu không quá cao hoặc quá thấp đồng thời cung cấp chất xơ có ích và chất khoáng chứa vcom kiểm soát lượng đường trong máu.
- Thực phẩm giàu chất xơ như cám ngũ cốc, rau xanh, các loại họ đậu,… có tác dụng giữ nước, hấp thu axit mật sẽ làm giảm đỉnh cao đường huyết sau khi ăn và có thể kéo dài sự hấp thu của chất đường.
- Các loại thịt nạc đặc biệt là thịt bò vì chứa nhiều axit linoleic tổng hợp (CLA) có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hoá lượng đường trong máu, ngoài ra còn có tác dụng chống ung thư.
- Các loại cá biển có nhiều axit béo có tác dụng làm giảm đáng kể lượng cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.
(Nguồn: Tổng hợp từ Internet)